Bí mật đằng sau màn hình OLED

Màn hình diode phát sáng hữu cơ khác với LCD ở chỗ chúng không cần đèn chiếu từ sau vì mỗi pixel làm từ phân tử phốt pho sẽ tự sáng khi được kích thích. Vấn đề là phải đưa phân tử này lên chất nền như mặt kính, nhựa hay kim loại.

Dưới đây là các quy trình cơ bản:
– Chuẩn bị phân tử phốt pho màu gồm 3 màu cơ bản: đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Các màu này thực ra lại được làm từ bột màu đỏ, vàng và da cam.

3 lọ phốt pho màu.

– Trong một phòng sạch dùng kính màu vàng chống lại tia cực tím, chất nền được chuẩn bị để nhận các phân tử nhỏ xíu.

Chất nền chuẩn bị được bao phủ bằng phân tử phốt pho.

– Các phân tử phốt pho gặp chất nền để tương tác và dính vào đó. Trong công nghệ chế tạo màn hình OLED hiện nay, có 4 cách để làm điều này.

1. Cho bốc hơi bằng nhiệt. Các nhà khoa học sẽ làm cho các phân tử phốt pho trở nên nóng rực và bốc thành hơi như một mạng lưới rồi phủ lên bề mặt chất nền.

Đầu tiên, phân tử màu đỏ bốc hơi, khiến mạng lưới này bị thay đổi một chút, sau đó là màu xanh lá cây, cuối cùng tới màu xanh dương. Công nghệ này áp dụng cho các màn hình cỡ nhỏ và dùng trong thực tế của nhà máy UDC.

2. Cho lắng đọng sau khi bốc hơi. Cách này sẽ khiến phân tử phốt pho được làm nóng lên thành hơi rồi đưa vào một hệ thống như vòi tắm hoa sen để làm lắng các phân từ trên một chất nền lạnh.

3. In phun. Nếu các phân tử phốt pho có thể trộn với chất lỏng, nó sẽ biến thành thứ tương tự như mực trong máy in. Nhờ đó, người ta có thể phun chính xác các phân tử này lên bề mặt chất nền một cách dễ dàng. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ làm thế nào để biến phân tử thành chất lỏng và phun lên chất nền ra sao để các phân tử khô nhanh.

4. In phun hơi hữu cơ. Cách này không cần biến phân tử phốt pho thành chất lỏng và phun trực tiếp lên bề mặt chất nền. Tuy nhiên, công nghệ làm được điều này hết sức khó khăn.

Việt Toàn (theo Gizmodo)